Đôi Bạn

26 Tháng Mười Một 20237:02 CH(Xem: 685)

Đôi Bạn

Đó là đôi bạn Sỹ - Toàn, Doãn Quốc Sỹ - Nguyễn Đình Toàn. Hai ngôi sao của nền văn học miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Gọi là Đôi Bạn vong niên, vì “bạn Toàn” sinh năm 1936 mà ”bạn Sỹ” sinh 1923, chênh lệch nhau những 13 năm tuổi. Thế nhưng bạn văn thì làm gì có tuổi. Do vậy hai bạn xưng hô với nhau là “ông và tôi”, đôi khi bạn Toàn gọi bạn Sỹ là “ông thầy”. Vì ngoài nghiệp văn, ông Sỹ còn hành nghề giáo.
sytoan

Hai bạn biết nhau nhờ vào sự kiện lịch sử Cuộc Di Cư Bắc Nam, 1954. Khi đoàn người miền Bắc chạy trốn chế độ cộng sản vào miền Nam lánh nạn, Đôi Bạn Sỹ - Toàn hội ngộ nhau tại vùng đất tự do. Vì nơi đây là vùng đất tự do phơi phới về chính trị lẫn về tư tưởng, nên hai bạn đã cùng nhau phát triển tài năng viết lách, làm thơ một cách thỏa thích.

Không cần phải nghe kể, độc giả của Đôi Bạn Sỹ - Toàn đều có thể tưởng tượng ra cảnh hai ông gặp nhau bên bàn cà phê tiệm La Pagode đường Catinas hay tiệm Brodard đường Nguyễn Thiệp Sài Gòn. Nơi được lưu danh là có công kết nối các tay bút sừng sỏi trong nền văn học rực rỡ của miền Nam Việt Nam. Không ngoa, La Pagode và Brodard nổi danh vì đã từng in bóng các ông Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Mạnh Côn, Trần Dạ Từ, Trần Lê Nguyễn, Thanh Thương Hoàng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Dương Nghiễm Mậu,  Cung Tích Biền, Nguyên Sa, Viên Linh, Duyên Anh, Võ Phiến, Chu Tử, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Đình Toàn … các văn nghệ sĩ khác đã làm nên một bầu trời đầy sao sáng lấp lánh muôn màu sắc.

Bạn Nguyễn Đình Toàn tung hoành trong nhiều lãnh vực như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch, nhạc. Trong đó có tác phẩm Áo Mơ Phai đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật của Việt Nam Cộng Hòa và năm 1973. Vào những năm trước 1975, ông còn phụ trách chương trình “Nhạc Chủ Đề Tình Ca Quê Hương” vào mỗi tối thứ Năm trên làn sóng Đài Phát Thanh Sài Gòn. Ông đã khiến nhiều nữ nhi thời ấy đón chờ giờ phát thanh để mà mơ màng và thấm thía với lời thì thầm giới thiệu của ông. Ông đã dùng nghệ thuật viết văn viết thành lời giới thiệu các nhạc phẩm. Lời văn và giọng nói êm êm đã đưa thính giả vào một khung trời lãng mạn, làm nên một vầng sáng trong văn nghiệp của ông.

Bên cạnh văn tài thì nguồn thơ của “bạn Toàn” cũng làm thêm bề dày sự nghiệp văn chương. Ông sáng tác thơ nhẹ như thở. Cho dù trong lòng ông đau đáu nỗi đau quê hương, chiến tranh, nỗi buồn mất nước đến phải tha hương, nhưng dòng thơ của ông vẫn êm nhẹ. Phải và đúng thế vì những bài thơ đã được chính tác giả phổ thành nhạc phẩm và được gom lại thành quyển “Thơ & Ca Từ” xuất bản vào năm 2022. Năm đó ông sức khỏe của ông đã sút giảm nhiều. Như tiên lượng được sự ra đi không thể tránh khỏi trong những ngày tới, ông đã soạn lại và cho ra đời quyển sách này.

Về phần Bạn Doãn Quốc Sỹ, ông có nghề giáo lại còn thêm nghiệp văn cho nên trong số trên bốn mươi (40) tác phẩm được xuất bản gồm trường thiên tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, truyện dịch, nghiên cứu dùng làm giáo án giảng dạy. Cũng như bao văn nghệ sĩ miền Bắc vào đến vùng đất tự do nhiều tình người miền Nam Việt Nam là như diều gặp gió. Ông sáng tác thật hăng say, tung hoành ngòi bút, chỉ trong vòng sáu năm đầu, độc giả đã chìm đắm trong bộ trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau, Gìn Vàng Giữ Ngọc, Dòng Sông Định Mệnh…

Các độc giả hẳn phải kinh ngạc với sức làm việc không mệt mỏi của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, khi biết bên cạnh nghiệp văn, ông còn nghề dạy học. Thầy Sỹ dạy đến ba trường đại học: Sư Phạm Sài Gòn, Văn Khoa và Vạn Hạnh. Trong nghề giáo ông được các sinh viên yêu quý vì phong cách nghệ sĩ của một nhà văn. Với mái tóc bồng bềnh đứng trên bục giảng, ánh mắt ông phóng ra xa, mơ màng mà giảng bài. Mơ màng nhưng vẫn đầy lôi cuốn khiến sinh viên dõi theo lời giảng của ông. Bài giảng là giảng cho sinh viên, thế nhưng sinh viên thấy dường như thầy mình cũng bị chìm hút vào nó. Thế mới hay, thế mới thật là thu hút!

Đôi Bạn Sỹ - Toàn có tình thân từ đâu đó trước 1975, để rồi tình bạn thêm sâu đậm sau ngày mất nước 30 – 4 – 1975. Người Sài Gòn tan tác, kẻ mất người còn, người vượt biên, người chết bờ bụi, nơi sông ngòi, ngoài biển khơi. Các văn nghệ sĩ Sài Gòn bị hai đợt ở tù lại càng thêm tan tác. Do vậy, tình thân và lòng tin của những nhà văn còn sống sót sau biến cố đau thương nay càng sát gần lại. Đôi Bạn Sỹ - Toàn vẫn thường xuyên gặp nhau ở dốc cầu bên kia Cầu Sài Gòn, làng Báo Chí. Bạn Sỹ chạy chiếc xe mobilette lên chơi với bạn Toàn. Nhờ vậy độc giả mới có giai thoại về bài thơ:

Câu thơ bạn Nguyễn Đình Toàn hỏi vào năm 1984:

Lúa Thủ Thiêm ngọn chìm ngọn nổi

Gió xa lộ lúc thổi lúc ngừng

Gặp nhau tay bắt mặt mừng

Vui thì vui vậy biết chừng nào xa.

Câu thơ bạn Doãn Quốc Sỹ trả lời vào năm 1980:               

Đỉnh trời vằng vặc gương nga

Long lanh soi tỏ lòng ta lòng mình

Gương trong mình lại soi mình

Thấy tình thăm thẳm thấy hình phù du

Nẻo đời gió bụi kỳ khu

Biết ai còn mất tình thu võ vàng.

Đôi Bạn Sỹ - Toàn đã hòa nhịp thơ vào nhau, cho dù khi sáng tác chẳng ai biết người kia đã có lời thơ như thế nào. Cả hai cùng đắc chí vì “tâm và tình” của chúng mình đã hòa lẫn với nhau từ lâu rồi, nay mới chính thức nhập thành một, thành giai thoại thơ như vậy.

Thế rồi… ngày tháng năm trôi đi. Bạn Toàn được đoàn tụ với con trai tại tiểu bang California, thành phố Westminster. Vài năm sau bạn Sỹ cũng đi định cư tại Hoa Kỳ, với con trai ở tiểu bang Texas, thành phố Houston. Năm tháng lại tiếp tục trôi cho mãi đến năm 2011, khi bà Sỹ mất, ông Sỹ được năm đứa con khác đón qua California để phụng dưỡng. Đó mới là lúc Đôi Bạn xưa được gặp lại nhau sau bao năm xa cách.

Đôi Bạn vẫn thường xuyên gặp nhau đôi ba tháng một lần. Các con của hai bố Sỹ - Toàn rất vui và tạo điều kiện cho hai bố gặp nhau. Có lần cô con gái thứ ba đưa ông Sỹ đến đón ông bà Toàn đi uống cà phê. Và nhiều lần bạn Sỹ đã thân chinh đến chơi với bạn Toàn thay vì cùng nhau ra ngồi quán thì nay ngồi tán gẫu tại nhà. Do vì thời gian đó bà Toàn đã vào sâu căn bệnh “quên”, ông Toàn muốn toàn thời gian còn lại cho vợ. Và bà đã toại nguyện cho đến ngày ra đi, ông vẫn là người chăm lo cơm hai bữa cho bà.

Nếu nói về sức khỏe thể chất thì bạn Sỹ là số một. Cho dù chênh 13 tuổi nhưng bạn Sỹ khỏe mạnh nhiều lần hơn bạn Toàn. Nhưng nếu nói về sự tinh anh, sắc xảo trong câu chuyện thì bạn Toàn là trên hết. Ông có những nhận xét rất nhanh và diễn tả nó ra bằng một ngôn từ nhẹ nhưng sắc ngọt, rất ư là “Nguyễn Đình Toàn”. Câu chuyện được kể lại bởi anh Đinh Quang Anh Thái, hôm ấy chở ông Toàn đến viếng lễ tang nhạc sĩ Nhật Ngân, xe phóng trên đường Beach, ngang qua nghĩa trang Peak Family để quẹo phải đường Bolsa, vào khu nhà tang lễ, ông Toàn buột miệng: “Nhìn khu mộ của bọn Mỹ kìa, người ta chết là buông hết, mộ bia cũng phẳng lì. Còn dân tộc tính của người Việt mình đặc biệt thật, chết rồi mà vẫn còn muốn trồi lên!”. “Mẹ nó, mình đến thăm thằng chết mà thấy toàn những thằng sắp chết!”

Những mẩu chuyện vui bên lề văn chương thì bạn Toàn có nhiều chuyện vui hơn bạn Sỹ. Bởi vì tính cách của bạn Toàn rất là Nguyễn Đình Toàn. Bạn Sỹ thì dường như êm đềm và ít mở lời sắc bén. Cười xòa hay cười vang to là để phụ họa hay để góp cho thêm mặn mà câu chuyện thế thôi. Có phải chăng tính chất một nhà giáo lấn át hơn tính chất một nhà văn, mà ông Sỹ có?

Đôi Bạn đến nay, một người đếm số tuổi lên hàng 100, người kia rượt theo đến số 87 tuổi, “chẳng ai còn nhận ra ai” vì tuổi già lú lẫn, vì sức khỏe sút giảm. Bạn Sỹ có đến thăm bạn Toàn thêm đôi lần nhưng nhận thấy hai bố đã đến lúc… người thì quên, người thì hết hơi để nói. Thế là con cái đã quyết định thôi chẳng cần mang hai bố gặp nhau nữa. Đã đến lúc Đôi Bạn tạm biệt nhau, mỗi người sẽ có một cách biến mất trên cõi đời. Nào ai biết được mình sẽ ra đi bằng cách nào và ra sao? Chỉ thấy là:

… Vui thì vui vậy biết chừng nào xa. – Nguyễn Đình Toàn

… Biết ai còn mất tình thu võ vàng. – Doãn Quốc Sỹ

 

California, ngày 6 tháng 11 – 2023

Doãn Cẩm Liên